Logo-QuynhSon

Giới thiệu

GIỚI THIỆU VỀ LÀNG VĂN HÓA
DU LỊCH CỘNG ĐỒNG QUỲNH SƠN

Gìn giữ văn hóa

xứ Lạng

Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn thuộc xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 80 km về phía Tây Nam theo quốc lộ 1B. Địa hình nhiều hang động trong lòng núi, xen kẽ giữa các núi đá vôi là các vùng núi đất và các thung lũng bằng phẳng tạo nên phong cảnh kỳ vĩ và hoang sơ, vẫn còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên.

Bên cạnh việc là ngôi làng văn hóa du lịch cộng đồng, ngôi làng ở Lạng Sơn còn khiến du khách ấn tượng bởi toàn bộ nhà dân đều quay về cùng một hướng.

Nhắc tới du lịch Lạng Sơn – một trong những địa phương nổi bật ở miền Đông Bắc nước ta, phần đồng du khách sẽ nhớ tới đỉnh Mẫu Sơn, tới thị trần Đồng Đăng với phố Kỳ Lừa, tới núi Tô Thị hay chùa Tam Thanh. Bởi vậy mà dân gian còn có câu ca dao: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.”

Tuy nhiên, ở phố núi miền Đông Bắc còn có một ngôi làng vô cùng đặc biệt, được nhiều du khách quan tâm trong thời gian gần đây. Đó là làng Quỳnh Sơn, hay có tên gọi chính thức là Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn. Không chỉ gây ấn tượng bởi cảnh vật, điểm đặc biệt nhất của ngôi làng chính là hàng trăm ngôi nhà ở đây có kiến trúc đồng nhất, tất cả cùng quay về một hướng.

Có một ngôi làng du lịch ở miền Đông Bắc, 100% nhà dân... đều quay về một hướng - Ảnh 1.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, thuộc xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh Báo Dân tộc và miền núi)

Làng Quỳnh Sơn nằm tại thị xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, cách trung tâm tỉnh Lạng Sơn khoảng 80km về phía Tây Nam. Phương pháp chủ yếu được ưa chuộng để du khách đi đến đây là đi xe khách, tàu hỏa hoặc phương tiện cá nhân như xe máy hoặc ô tô tự lái. 

Ở đây, dân cư chủ yếu là người Tày sinh sống lâu đời. Theo thống kê, hiện nay làng có hơn 400 hộ gia đình với khoảng 1800 người. Làng bắt đầu đi vào hoạt động dưới tên làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn từ năm 2010. 

Ngôi làng sở hữu hàng trăm mái nhà sàn cùng quay về một hướng

Điểm đặc biệt hơn cả ở làng Quỳnh Sơn là nơi đây sở hữu hơn 400 ngôi nhà sàn có kiến trúc đồng nhất, cùng lợp ngói âm dương, lưng tựa vào dãy núi đá vôi và tất cả cùng quay về một hướng, đó là hướng Nam. Nếu chỉ nhìn qua, du khách sẽ rất dễ nhầm lẫn rằng mọi ngôi nhà đều giống nhau như đúc. Tuy nhiên, để ý kỹ thì từng ngôi nhà vẫn sẽ có những điểm khác biệt nhất định trên cửa nhà, tường nhà hay hàng hiên. 

Có một ngôi làng du lịch ở miền Đông Bắc, 100% nhà dân... đều quay về một hướng - Ảnh 2.

Hơn 400 ngôi nhà sàn trong làng Quỳnh Sơn đều được xây quay về hướng Nam. (Ảnh TTBS)

Nói về nguyên nhân dân làng đều xây nhà quay về hướng Nam, một số người bản địa cho biết, người xưa có câu “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”. Vì vậy, người dân mong muốn có một cuộc sống no đủ, êm ấm, nên cứ như vậy từ bao đời nay, tất cả nhà sàn trong làng đều cùng quay về một hướng. 

Hướng Nam từ làng nhìn ra cũng là cánh đồng Bắc Sơn trù phú, điểm tô thêm dòng suối trong xanh uốn lượn, vì vậy tạo nên khung cảnh non nước rất hữu tình. Bên cạnh đó, toàn bộ nhà sàn của người Tày nơi đây đều được lợp ngói âm dương, đem lại không khí mát mẻ vào mùa hè, và ấm áp vào mùa đông. 

Có một ngôi làng du lịch ở miền Đông Bắc, 100% nhà dân... đều quay về một hướng - Ảnh 3.

Toàn bộ nhà ở làng Quỳnh Sơn đều được lợp mái ngói âm dương. (Ảnh LuhanhVietNam)

Phát triển làng du lịch cộng đồng, hướng về những giá trị văn hóa bản địa

Đến với làng Quỳnh Sơn, du khách không thể bỏ qua hệ thống di tích lịch sử – văn hóa bao gồm đình Quỳnh Sơn – ngôi đình thờ Quý Minh Đại Vương với tuổi thọ hàng trăm năm; Cầu Rá Riềng – nơi ghi dấu ấn chiến công quân và dân ta đánh giặc, góp phần làm nên chiến thắng khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940. Bên cạnh đó, là lưu trú tại chính những căn nhà sàn của người Tày, ăn những món ăn đặc sản như bánh chưng đen, phở chua, thịt tái, xôi cẩm và tham gia vào quá trình con người nơi đây sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, cứ mỗi dịp 12, 13 tháng Giêng, ở làng Quỳnh Sơn lại tổ chức lễ hội Lồng Tồng, hay còn được hiểu là hội xuống đồng, nhằm cầu mong mùa màng tốt tươi. Trong những ngày diễn ra lễ hội, một loạt các hoạt động như ném còn, đánh đu, hát ví, hát Then, múa Tán Đàn… sẽ được tổ chức, đưa du khách đến gần với văn hóa truyền thống miền Đông Bắc hơn bao giờ hết.

Có một ngôi làng du lịch ở miền Đông Bắc, 100% nhà dân... đều quay về một hướng - Ảnh 4.

Lễ hội Lồng Tồng là một trong những lễ hội truyền thống nổi bật nhất của người Tày ở làng Quỳnh Sơn. (Ảnh Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn)

Như đã nói ở trên, nhận thấy niềm năng phát triển du lịch của làng Quỳnh Sơn với những di sản mang đậm nét truyền thống và văn hóa bản địa, bắt đầu từ năm 2010, làng chính thức được đi vào hoạt động với tư cách là làng văn hóa du lịch cộng đồng. Tức là các hộ gia đình, cộng đồng dân cư trong làng sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch. Nhà dân có thể trở thành nơi du khách nghỉ, người dân có thể trở thành những người đầu bếp để nấu những món đặc sản cho du khách thưởng thức… 

Tuy nhiên vào thời điểm đó, chỉ có 5 hộ gia đình trong làng là đạt tiêu chuẩn. Bởi theo truyền thống người Tày, ngôi nhà sàn của họ thường có 2 tầng, thì tầng 1 sẽ được dùng làm nơi nhốt trâu bò, gia súc, để công cụ và làm kho chứa thóc lúa, còn tầng 2 là nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ của cả gia đình. Vì vậy, để đủ tiêu chuẩn, người dân sẽ phải nâng cấp, cải tạo ngôi nhà.

Có một ngôi làng du lịch ở miền Đông Bắc, 100% nhà dân... đều quay về một hướng - Ảnh 5.

Ảnh LuhanhVietNam

Các ngôi nhà sàn được người dân nâng cấp, cải tạo, trở thành nơi ăn, chốn nghỉ cho khách du lịch khi tới làng Quỳnh Sơn. (Ảnh Báo Dân tộc và miền núi)

Theo thông tin trên Báo Dân tộc, gia đình ông Dương Công Chích là 1 trong 5 hộ đầu tiên, mạnh dạn làm việc này để đón khách du lịch đến với làng. Đến nay, con số đã tăng lên nhiều để phục vụ lượng đông du khách ghé thăm làng. Các hộ gia đình sẽ được tham gia các lớp tập huấn về du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức để tiếp đón du khách được chỉn chu và chu đáo hơn. Bên cạnh đó, sẽ được hỗ trợ thêm quạt, chăn ga, hay một số phương tiện, thiết bị khác để đáp ứng yêu cầu đón khách.

Nhờ có hướng phát triển đúng đắn theo mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, hiện nay làng Quỳnh Sơn hay thung lũng Bắc Sơn dần được du khách biết tới và yêu thích, như một điểm đến để “trốn” khỏi sự xô bồ của thành thị tấp nập ngoài kia. Người dân bản địa cũng có thêm thu nhập và có cơ hội thể hiện những nét đẹp truyền thống cho du khách thập phương. Đây cũng chính là cách, giúp làng Quỳnh Sơn nói riêng, hay cả tỉnh Lạng Sơn nói chung quảng bá hình ảnh địa phương mình cũng như bảo tồn và phát huy nền văn hóa truyền thống độc đáo. 

Có một ngôi làng du lịch ở miền Đông Bắc, 100% nhà dân... đều quay về một hướng - Ảnh 7.
Có một ngôi làng du lịch ở miền Đông Bắc, 100% nhà dân... đều quay về một hướng - Ảnh 8.

Làng Quỳnh Sơn hay thung lũng Bắc Sơn là điểm đến để “trốn” khỏi sự xô bồ của thành thị tấp nập ngoài kia. (Ảnh VTC News)